Ngôn ngữ

Khóa đào tạo đặc biệt “Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018” thiết thực cho các doanh nghiệp

Vừa qua, tại TP.HCM, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP.HCM, Tổ chức Chứng nhận SGS Việt Nam và Công ty Cổ phần sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CT Group) tổ chức Khóa đào tạo đặc biệt “Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính – Phương pháp tính toán và Xác định khí nhà khí theo ISO 14064-1:2018”.

Sự cấp thiết

Mục đích của khóa đào tạo là đồng hành cùng TP.HCM và các doanh nghiệp trong việc thực hiện lập Báo cáo kiểm kê khí nhà kính (GHG) theo Nghị định 06/2022 của Chính phủ để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Kiểm kê khí thải nhà kính được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua khóa đào tạo, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được cung cấp những kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực tiễn cần thiết để xử lý thành thạo các vấn đề phức tạp trong việc hạch toán khí nhà kính; Nắm vững cách tính toán và báo cáo khí nhà kính: Hiểu và sử dụng các phương pháp được Chính phủ Việt Nam chấp nhận, bao gồm các tiêu chuẩn như quy trình khí nhà kính – Tiêu chuẩn ISO 14064-1.

Đồng thời, tại khóa đào tạo, các các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sẽ được vận dụng kiến thức vào các bài tập thực hành bằng cách sử dụng bảng tính và các công cụ theo tiêu chuẩn ngành.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN cho biết: “Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát thải khí nhà kính ra môi trường sẽ phải thực hiện kiểm kê, đo đếm, lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính để làm căn cứ và kiểm đo phát thải, sử dụng cho kết quả đó cho việc vận hành và phát triển thị trường hạn ngạch phát thải bắt buộc sẽ được thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028 theo các quy định của Chính phủ và Bộ TN&MT”.

Nói về những ngành nghề hiện nay phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, ông Tô Thanh Sơn – Giám đốc phát triển bền vững của SGS Việt Nam cho hay: “Theo quy định của Nghị định 06/2022 và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg thì hiện nay chúng ta có 6 ngành nghề phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bao gồm ngành năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các ngành công nghiệp, nông – lâm và biến đổi sử dụng đất, xử lý chất thải. Đây là 6 ngành nhà nước ưu tiên trong việc kiểm kê khí nhà kính”.

Khóa đào tạo đặc biệt Lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018 thiết thực cho các doanh nghiệp

Ông Tô Thanh Sơn (Giảng viên – Giám đốc phát triển bền vững SGS) trao đổi với đại biểu

“Để các doanh nghiệp có thể thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như có các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính thì trước hết doanh nghiệp cần nắm rõ các nguồn thải của doanh nghiệp mình và thu thập một cách chính xác để xác định tổng phát thải. Từ đó, sẽ thiết lập mục tiêu để giảm thiểu phát thải chính xác”, ông Sơn cho biết thêm.

Bối cảnh.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC 2022) Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu …

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bản thân các doanh nghiệp phải có sự chuyển dịch xanh để hướng tới sử dụng các công nghệ ít phát thải carbon cũng như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu, khí.

Tuy nhiên, đây là quá trình chuyển đổi lâu dài bởi mỗi quy trình sản xuất doanh nghiệp đều đã được thiết lập cố định nên việc chuyển đổi cần thời gian, lộ trình.

Vì vậy, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Share the Post: