CCTPA - LOGO (update)

VỰA LÚA ĐBSCL VỚI MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI – BÁN TÍN CHỈ CARBON

Sản xuất lúa gạo đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông hộ và ngành hàng này vẫn đang không ngừng đổi thay để phát triển. Đã có rất nhiều dự án, mô hình sản xuất được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai với mục tiêu nâng cao, khẳng định vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nỗ lực sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân quen dần và thực hiện tốt hơn quy trình canh tác lúa bền vững, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai trên cây lúa tại 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang với nhiều hợp phần khác nhau.

Dự án VnSAT đã tăng cường năng lực cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo quy trình 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Theo đánh giá, đã có khoảng 180.000 ha lúa thực hiện quy trình canh tác bền vững trong dự án VnSAT, lợi nhuận tăng 30% so với canh tác truyền thống, lượng lúa giống giảm từ 30 – 40%, chi phí phân bón giảm khoảng 35%, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và nước tưới sử dụng cho sản xuất lúa giảm, lợi ích rõ nhất là môi trường sinh thái đảm bảo, giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia sẽ là hướng đi đột phá của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt – Bộ NN&PTNT, sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính là điều mong muốn để đạt các tín chỉ carbon thấp nhằm trao đổi hoặc bán. Đây là lĩnh vực mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới trong lĩnh vực trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng.

Phân tích của ông Lê Thanh Tùng cho thấy, trong sản xuất lúa có 3 yếu tố chính làm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố làm phát thải khí nhà kính hiện nay đã được khắc phục bằng các giải pháp kỹ thuật kéo theo giảm cả chi phí sản xuất, sâu bệnh.

“Đề án 1 triệu ha tập trung nhiều vào sự bền vững và hiệu quả kinh tế cũng như an ninh thu nhập cho người nông dân và an ninh lương thực cho người dân. Việc giảm phát thải khí nhà kính cũng là mục tiêu trước mắt để thúc đẩy cho các hoạt động sản xuất lúa phát triển. Tuy nhiên, nói đến những khó khăn thì lúc nào cũng có và cần có sự đồng thuận của tất cả các bên cùng tham gia mà chúng tôi gọi là một chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo. Bởi vì ở đây không phải người nông dân phải chịu tác động của giảm phát thải, chúng ta cần có tính toán kỹ hơn với kỹ thuật canh tác thì chúng ta làm giảm phát thải khí nhà kính” – ông Lê Thanh Tùng nói.

Người dân quen dần và thực hiện tốt hơn quy trình canh tác lúa bền vững, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính

Canh tác lúa của Việt Nam đã tập trung theo hướng bền vững do Tổ chức Môi trường của Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI đưa ra để canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả đã đạt được tín chỉ carbon trong canh tác lúa và trong thời gian hoàn thiện các bước của thị trường tín chỉ carbon sẽ sử dụng để bán.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sản xuất lúa hiện nay đang chiếm gần 50% lượng khí thải nhà kính và Việt Nam đang giải quyết bài toán giảm phát khí thải nhà kính về mức thải ròng bằng “0” theo cam kết. Hiện, Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững với các quy trình canh tác được tổ chức quốc tế đánh giá cao và giờ đây người dân chỉ cần làm theo các quy trình đó chắc chắn sẽ đạt được tín chỉ carbon.

“Tôi tin tưởng rằng đây là sự khởi đầu, sự khởi đầu này rất suôn sẻ, khi mà chúng ta hình thành 1 triệu ha sản xuất theo giảm phát thải nhà kính thì hoàn toàn chúng ta có thể mở rộng được tất cả. Nông dân rất cần cù nhưng cũng rất sáng tạo và các nhà khoa học, các nhà quản lý tập hợp tổ chức nông dân đi theo phương án này, miễn là chúng ta có một tổ chức tập hợp được nông dân, đó chính là HTX. Tôi hy vọng rằng đây là bài học của chúng ta sẽ làm, sẽ đóng góp vào kinh nghiệm cho thế giới về vấn đề giảm phát thải” – ông Huỳnh Văn Thòn nói.

Trong thời gian qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nỗ lực sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Chuỗi cung ứng và liên kết được đánh giá là mắt xích quan trọng để thành công, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải “ngồi chung” với nhau để xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ nâng cao giá trị, thương hiệu mà trong tất cả các chuỗi liên kết của ngành hàng, khi đó mới tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp mà định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Bộ NN&PTNT nhìn nhận: “Chi phí đầu vào phải giảm xuống để làm sao lợi nhuận gia tăng, phân phối đều cho các tác nhân. Tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với người nông dân, nói chung đây là sinh kế phần lớn của người nông dân mình và cũng đảm bảo lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp”.

Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực là tâm điểm của nhiều cuộc hội nghị trên thế giới thời gian qua. Chính vì thế, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và họ sẵn sàng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai và thực hiện chi trả tín chỉ Carbon, đầu tư vào hạ tầng cho vùng sản xuất lúa của đề án.

Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững với các quy trình canh tác được tổ chức quốc tế đánh giá cao

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, người dân được hưởng lợi rất lớn từ đề án, từ việc gia tăng giá trị của sản phẩm và bán tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia sẽ là hướng đi đột phá của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL, giúp cho người dân, doanh nghiệp có được giá trị gia tăng cao hơn.

“Trong đề án đến 2025 không còn rơm để đốt đồng nữa, thu gom hết 100%, như vậy vẫn còn nhiều dư địa để chúng ta đầu tư thu gom, để tái tạo ra giá trị, kể cả trấu. Tôi nghĩ có rất nhiều lĩnh vực để có thể các doanh nghiệp có thể tham gia, đầu tư. Gạo thì đã có nhiều tập đoàn sẵn sàng vào để mua gạo giảm phát thải để tăng tỷ lệ giảm phát thải của các sản phẩm phi nông nghiệp” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính với cộng đồng quốc tế.

Nguồn: vov.vn

Share the Post: