Tọa đàm nhằm hưởng ứng và góp phần thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; từ đó góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ngày 28/11, tại TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường và một số đơn vị tổ chức chương trình Tọa đàm “Tín chỉ carbon – Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”.
Tại Tọa đàm, đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trình bày tham luận và 02 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh 02 chủ đề “Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” và “Tín chỉ carbon – Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng”.
Các đại biểu đã cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình nghiên cứu, xây dựng quy định về tín chỉ carbon; các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, sáng kiến về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hiến kế xây dựng thị trường tín chỉ carbon, góp phần quan trọng trong việc kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước chung tay khôi phục và phủ xanh hàng nghìn cánh rừng tại Việt Nam.
Ông Võ Nguyễn Trường An, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ carbon ASEAN – CCTPA cho biết: Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí thải nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2.
Nghị định số 06/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon có quy định về lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam; đến năm 2025, thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028; đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Dù còn nhiều việc phải làm để vận hành và quản lý thị trường này, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng về việc Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.
Các đại biểu trao đổi về vấn đề bảo vệ môi trường và những vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon.
Chia sẻ về hoạt động bảo vệ môi trường và tư duy xanh trong hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải – Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho rằng: Trước hết, cần hiểu và nắm rõ khái niệm kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đưa ra nhận định xã hội – quản trị – môi trường là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay là lựa chọn, đó là cơ hội cho các doanh nghiệp… Với tất cả những điều trên để thực hiện được phát triển xanh – bền vững cho doanh nghiệp thì chúng ta cần nhận thức được mối liên hệ mật thiết và tuần hoàn giữa xã hội – quản trị – môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của lãnh đạo về phát triển bền vững cần gắn với cam kết giữa xã hội – quản trị – môi trường.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Những ý kiến trao đổi tham luận, thảo luận ngày hôm nay là kênh tư liệu quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ về những vấn đề liên quan…/.
Nguồn: dangcongsan.vn