Vận hành thị trường carbon vào năm 2029
Chia sẻ tại Tọa đàm: “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công thương”, sáng 4/9, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để thị trường carbon chính thức vận hành từ năm 2029”.
Giai đoạn từ nay cho đến 2028 là giai đoạn mà các Bộ ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon.
Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất tín chỉ carbon chất lượng cao. Bộ Công Thương đang làm việc để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, giúp hiểu rõ các quy định và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường carbon.
Là ngành sản xuất có mức độ phát thải cao, ngành xi măng chịu áp lực lớn trong hành trình chuyển đổi các giải pháp kỹ thuật để tiến tới sản xuất xanh hơn.
Phát thải carbon trong ngành xi măng vào khoảng trên 800 kg/1 tấn xi măng, còn đối với clinker thì tùy nhà máy, trên dưới 900 kg CO2/tấn clinker.
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình khoảng từ 62 – 70 triệu tấn CO2 và trong sản xuất xi măng, khâu sản xuất clinker là phát thải nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% tổng lượng carbon phát thải ra trên một tấn xi măng.
PGS.TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay: “Hiện có hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng trên toàn quốc có sản xuất clinker đều nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định. Các doanh nghiệp đến thời điểm này đã nhận thức được vấn đề và đã có sự chuẩn bị khác nhau để triển khai theo quy định mới, mục tiêu giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong sản xuất”.
Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp thực hiện giải pháp sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu thay thế thì có thể là biomass, có thể là rác thải của các quá trình công nghiệp khác như là giày da, dệt may hoặc là rác thải sinh hoạt. Hiện đã có hơn 10 nhà máy xi măng đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải đến khoảng 35 – 40% thay thế cho than.
Tuy nhiên theo ông Long, hiện việc tính toán lượng phát thải trong ngành xi măng mới chỉ mang tính kỹ thuật mà chưa được luật hóa. Do đó, ông Long kiến nghị, cần đưa ra các công cụ, tiêu chuẩn tính toán, đo lường, đánh giá lượng phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp có căn cứ tính toán.
“Cuộc chơi” không thể từ chối
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng: “Trào lưu” về tín chỉ carbon, thị trường carbon được nói nhiều thời gian gần đây đã “đánh động” tới số đông doanh nghiệp về sự cấp thiết của chuyển đổi sản xuất, dần tham gia vào thị trường carbon”.
Đây là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn tăng cường khả năng thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thị trường toàn cầu.
“Thị trường carbon là cuộc chơi quốc tế mà doanh nghiệp Việt khó có thể từ chối. Có rất nhiều thách thức cho “người chơi”, nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn”, ông Trường An nói.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI đã chú trọng phát triển các chiến lược xanh trong sản xuất.
“Với một thị trường đang có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội và bên cạnh là những thách thức thì việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước đã có thị trường carbon vận hành bài bản, khá tương đồng sẽ tốt cho Việt Nam.
Ví dụ, tháng 12/2023 Indonesia đã vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Chính phủ ở khu vực Đông Nam Á và sắp tới tôi nghĩ sẽ còn nhiều quốc gia khác thì việc học hỏi và trao đổi kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng.
Ông Nguyễn Võ Trường An. Phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA)”
Chỉ ra 4 thách thức lớn trong triển khai thị trường carbon tại Việt Nam, ông Trường An cho biết, đó là khó về nguồn nhân lực; phương pháp; tài chính và máy móc-thiết bị.
Về phương pháp thực hiện, thực tế là doanh nghiệp, kể cả các chuyên gia phần lớn đang rất loay hoay, không biết thị trường sẽ được vận hành như thế nào. Hay về tài chính, công nghệ chuyển đổi xanh và giảm phát thải thường có suất đầu tư lớn và lớn hơn những công nghệ truyền thống rất nhiều.
Cho dù là thị trường carbon bắt buộc hay tự nguyện thì các doanh nghiệp phải biết mình đang phát thải như thế nào, đang phát thải nhiều ở những quy trình nào, quá trình nào và nó phải được đo đếm bằng những con số cụ thể để có giải pháp.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc hợp tác quốc tế là chìa khóa để mở khóa thị trường carbon cho Việt Nam.