NHỮNG THAY ĐỔI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC PHẨM CÓ THỂ CẮT GIẢM 1/3 LƯỢNG KHÍ THẢI NHÀ KÍNH
Các biện pháp sẵn có và chi phí thấp có thể giúp nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và linh hoạt hơn, đặc biệt đối với những người nghèo và dễ bị tổn thương.
Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu mang đến cơ hội to lớn để cắt giảm gần một phần ba lượng khí thải nhà kính của thế giới thông qua các biện pháp sẵn có và chi phí thấp, trong khi vẫn đảm bảo cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng.
Axel van Trotsenburg, Giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Món ăn hấp dẫn trên bàn ăn tuy ngon miệng, nhưng lại góp phần đáng kể vào lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. Tin tốt là hệ thống lương thực toàn cầu có thể chữa lành hành tinh – giúp đất đai, hệ sinh thái và con người khỏe mạnh hơn, đồng thời giữ lại carbon trong đất. Điều này nằm trong tầm tay của chúng ta, nhưng các quốc gia cần hành động ngay bây giờ: chỉ cần thay đổi cách các quốc gia có thu nhập trung bình sử dụng đất, chẳng hạn như rừng và hệ sinh thái, để sản xuất lương thực, có thể cắt giảm 1/3 lượng khí thải nông nghiệp-thực phẩm vào năm 2030.”
“Công thức cho một Hành tinh đáng sống: Đạt được Mức Phát Thải Ròng Bằng Không trong Hệ thống Nông nghiệp và Thực phẩm” (một báo cáo toàn cầu quan trọng được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới) phác thảo các hành động mà mọi quốc gia có thể thực hiện để giải quyết ba vấn đề quan trọng: An ninh lương thực, Chống biến đổi khí hậu, Bảo vệ người dễ bị tổn thương.
Báo cáo chỉ ra rằng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm là một nguồn lực khổng lồ chưa được khai thác để ứng phó với biến đổi khí hậu với chi phí thấp. Không giống các ngành khác, ngành nông nghiệp thực phẩm có thể tạo ra tác động vượt trội lên biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính và hút carbon tự nhiên từ bầu khí quyển.
Nhận thấy rằng các quốc gia sẽ đáp ứng các mục tiêu về khí hậu theo những cách khác nhau, báo cáo đưa ra nhiều giải pháp để các nước lựa chọn:
- Các quốc gia có thu nhập cao có thể dẫn đầu – bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để họ có thể áp dụng các phương pháp và công nghệ canh tác ít phát thải, hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình bảo tồn rừng tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao. Các nước thu nhập cao cũng có thể chuyển trợ cấp khỏi các nguồn thực phẩm phát thải cao.. Bằng cách này, giá thành của thực phẩm phát thải cao sẽ được phản ánh đúng hơn, đồng thời thực phẩm ít phát thải trở nên hấp dẫn hơn về mặt giá cả.
- Các quốc gia có thu nhập trung bình có vai trò to lớn – bằng cách hạn chế tới 3/4 lượng khí thải nông nghiệp toàn cầu thông qua những thực hành xanh – chẳng hạn như giảm khí thải từ chăn nuôi và lúa gạo, đầu tư vào đất khỏe, giảm mất mát, lãng phí thực phẩm – và sử dụng đất hiệu quả hơn. Một phần ba cơ hội giảm khí thải nông nghiệp-thực phẩm trên thế giới liên quan đến sử dụng đất bền vững ở các quốc gia thu nhập trung bình
- Các nước thu nhập thấp có thể vạch ra một con đường tiến lên khác – bằng cách tránh những sai lầm mà các nước giàu hơn mắc phải và nắm bắt các cơ hội thông minh về khí hậu để nền kinh tế xanh hơn và cạnh tranh hơn. Bảo tồn và phục hồi rừng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở các nước thu nhập thấp, vì hơn một nửa lượng khí thải nông nghiệp của họ đến từ việc chặt phá rừng để sản xuất lương thực.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, cần có hành động trên toàn cầu thông qua cách tiếp cận toàn diện nhằm giảm phát thải trong hệ thống thực phẩm, bao gồm phân bón, năng lượng, sản xuất cây trồng và chăn nuôi, bao bì và phân phối trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn.
Báo cáo cho thấy lợi ích từ việc đầu tư cắt giảm khí thải nông nghiệp lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Để giảm một nửa lượng khí thải nông nghiệp vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần đầu tư 260 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa số tiền hiện nay dành cho các khoản trợ cấp nông nghiệp, trong đó nhiều khoản gây hại cho môi trường. Việc loại bỏ các khoản trợ cấp nông nghiệp không hiệu quả có thể tạo ra nguồn tài chính đáng kể để đầu tư vào việc giảm thiểu khí thải. Mặc dù việc cắt giảm các khoản trợ cấp lãng phí có thể tài trợ một phần cho khoản đầu tư này, nhưng nguồn tài chính bổ sung là cần thiết để đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích hơn 4 nghìn tỷ USD, bao gồm cải thiện sức khỏe con người, an ninh lương thực và dinh dưỡng tốt hơn, tạo ra việc làm chất lượng cao hơn và lợi nhuận cho nông dân, cũng như giữ lại nhiều carbon trong rừng và đất.
Nguồn: Worldbank.org