CCTPA - LOGO (update)

MUA BÁN TÍN CHỈ CARBON, THÚC ĐẨY KINH TẾ XANH

Dù còn sơ khai, sàn giao dịch tín chỉ carbon vừa ra đời ở Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, thực hiện mục tiêu của Chính phủ đến năm 2050 giảm phát thải khí nhà kính bằng 0.

Công ty CP Tập đoàn CT (CT Group) vừa ra mắt sàn giao dịch tín chỉ ASEAN (CCTPA). Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên ở Việt Nam này ra đời nhằm góp phần tư vấn cho cá nhân và doanh nghiệp (DN) lập, phát triển dự án tín chỉ carbon, kiểm định theo ủy quyền của tổ chức quốc tế cũng như tập hợp thông tin mua bán…

Đóng góp quan trọng

Từ ngày 1-10, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm việc đánh thuế với hàng hóa xuất sang thị trường này theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Mỹ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, áp đặt thuế lên các nhà nhập khẩu vào năm 2024.

Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc CCTPA, cho rằng hầu như các DN Việt Nam chưa chuẩn bị kịp thời để ứng phó cơ chế này. Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của hầu hết DN.

Vì vậy, theo ông An, cần phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng ký tín chỉ carbon. Không chỉ kịp thời đáp ứng cơ chế CBAM, về lâu dài, thị trường tín chỉ carbon còn đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu…

Tại một hội thảo về tài chính xanh và tín chỉ carbon mới đây, TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết tại Việt Nam, hoạt động tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế đã được nhiều bên thực hiện thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005, sau đó triển khai theo các cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS). Đến cuối năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế CDM, khoảng 10 triệu tín chỉ từ GS, VCS…

Để thị trường tín chỉ carbon phát triển bền vững, cần phải định hướng theo cách phân bổ hạn ngạch. Bên cạnh đó, cần có các công cụ hạ tầng kỹ thuật; rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính ở các lĩnh vực, cơ sở, DN; đồng thời phải xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông với thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

“Điều quan trọng là các cơ quan, ban, ngành liên quan phải triển khai nhanh, nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội. Dù lộ trình đưa ra là năm 2025 mới thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon nhưng nếu chúng ta thực hiện sớm thì tốt hơn” – ông Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận.

Tiềm năng phong phú

Theo TS Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức), trên thế giới hiện có hơn 170 loại tín chỉ carbon khác nhau với mức giá cũng khác nhau. Nhiều vấn đề đang đặt ra với Việt Nam, cần phải được giải đáp sớm: Cơ hội nào cho các bên đầu tư để tạo tín chỉ carbon; thị trường ở đâu, ai bán, ai mua; tín chỉ được nước ta công nhận thì có thể giao dịch quốc tế được không?…

Ông Nguyễn Võ Trường An cho rằng hiện nay, tiềm năng tín chỉ carbon ở nước ta nằm ở các lĩnh vực: rừng, nông nghiệp trồng trọt, giảm phát thải… Cụ thể, đó là các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, giảm phát thải công nghiệp nặng – nhất là công nghiệp xây dựng, được xem là phát thải CO2 nhiều nhất.

Ông An phân tích: “Vừa qua, một số DN trong vài lĩnh vực ở Việt Nam đã tự kiểm định tín chỉ carbon, trao đổi song phương với các tập đoàn nước ngoài, mua bán tự nguyện nên dễ bị ép giá. Ví dụ, hiện nay, 1 tín chỉ carbon giá thấp nhất là 5 USD. Nếu có sàn giao dịch thì việc mua bán sẽ theo cơ chế cung – cầu, khi cầu nhiều cung ít thì giá tăng cao, đưa tín chỉ carbon Việt Nam về đúng giá trị thật. Điều này cũng kích thích các đơn vị tham gia sản xuất, bảo đảm môi trường xanh hơn theo tiêu chí của Chính phủ”.

Ông An nhận định nếu không chuẩn bị các bước đi phù hợp thì thị trường tín chỉ carbon Việt Nam khó đạt được mục tiêu trong thời gian tới. Vì vậy, cần khuyến khích, cổ vũ người dân tham gia phát triển dự án xanh, giảm phát thải khí nhà kính, không tàn phá rừng, cải thiện các hoạt động nông nghiệp…

Phó Tổng Giám đốc CCTPA cho biết công việc chính hiện nay của sàn giao dịch này là tư vấn các chương trình tín chỉ carbon cho DN và tổ chức, cá nhân. Mục tiêu mà CCTPA hướng đến là cố gắng trở thành sàn giao dịch tín chỉ carbon mạnh nhất ASEAN, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực.

CCTPA sẽ tập trung xác nhận, đo lường, giám sát dự án giảm khí thải và bảo vệ môi trường; cung cấp giải pháp cho các DN, tổ chức, cá nhân để giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất – kinh doanh đến môi trường, đóng góp vào việc hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu.

Những việc cần làm ngay

Ông Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – nhìn nhận để thị trường tín chỉ carbon thành công, ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự đồng hành của các DN, tổ chức và toàn cộng đồng. Quan trọng nhất là sớm ban hành đề án lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon; quy định rõ về hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ với thị trường khu vực và thế giới…

Theo bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân – Văn phòng Chính phủ, một trong những việc cần thực hiện sớm là kiểm kê khí thải nhà kính với danh mục 1.912 DN; xác định mức độ, nguồn phát thải lớn nhất để tập trung hạn chế. Nếu không kiểm kê thì khó biết khí nhà kính phát thải ở đâu, cải thiện cách nào.

Share the Post: