CCTPA-LOGO-update-300x194

ĐẨY NHANH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON, NGĂN GDP BỊ “THỔI BAY” HÀNG TỶ USD

Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN vừa ra mắt. Đây là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực này, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Liên minh châu Âu và Mỹ đang áp dụng các chính sách liên quan đến giá carbon.

Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon nhưng chưa có khung pháp lý, cơ chế rõ ràng. Thị trường tín chỉ carbon cần được đẩy nhanh tiến độ vận hành để các doanh nghiệp có điều kiện hơn.

Việt Nam vừa có công ty giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên. Đây là động thái cho thấy Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình thích ứng với chính sách thương mại quốc tế mới, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp.

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon (CO2) hoặc khối lượng của một loại khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được hình thành sau khi Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.

Đẩy nhanh phát triển thị trường carbon, ngăn GDP bị “thổi bay” hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

EU áp thuế carbon, thách thức chồng thách thức

Từ ngày 1/10 vừa qua, 6 loại hàng hóa thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM).

Từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải trả thêm “giá carbon”, theo mức hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.

Quy định chống phá rừng của EU sẽ áp dụng từ 30/12/2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm: ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ và các mặt hàng khác.

Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu vào EU, thí điểm áp dụng từ 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026 với hàng chục mặt hàng. Ngoài ra còn nhiều quy định khác. Ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động trước tiên.

“Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, cho hay.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm sẽ không chỉ trong ngắn hạn. Kinh tế tuần hoàn sẽ khiến đơn hàng ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải.

“Xu thế số lượng đơn hàng không tăng trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn. Thứ là yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đời sản phẩm dài, được sử dụng nhiều”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết.

Theo ghi nhận, với 1 chiếc áo khoác thể thao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tất cả nguyên vật liệu để sản xuất ra chiếc áo khoác này, từ vải cho đến khóa, thậm chí là những chiếc khuy nhỏ đều được sản xuất từ 100% nguyên, vật liệu tái chế và có thể phân hủy được. Điều này được thể hiện rõ ràng bên trong thân áo in chi tiết. Đây là một trong những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải thích ứng.

Nguồn: vtv.vn

Share the Post: