CCTPA-LOGO-update-300x194

EU TRIỂN KHAI CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH BIÊN GIỚI CARBON GIAI ĐOẠN 1

Trong giai đoạn chuyển tiếp, từ 01/10/2023 đến hết năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với 6 ngành hàng, gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Công nhân giám sát lò luyện tại nhà máy thép Hòa Phát. Việt Nam xuất khẩu 2,31 triệu tấn thép sang EU trong 8 tháng đầu năm 2023. — VNA/VNS Ảnh Tuấn Anh.

Các nhà nhập khẩu 6 hàng hóa đó vào EU sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Đến năm 2026, họ cũng sẽ được yêu cầu mua chứng chỉ CBAM để bù đắp lượng khí thải nhà kính và giá của chứng chỉ CBAM sẽ được tính dựa trên giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản phụ cấp ETS của EU.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao ở thị trường EU hay xuất khẩu dệt may của Bangladesh tăng cao thời gian vừa qua là một trong những ví dụ điển hình cho thấy chuyển đổi Xanh là xu hướng chung của toàn thế giới.

Do vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam nên chủ động, thậm chí với ngành chưa phải áp thuế cũng nên có sự chuẩn bị, bởi việc áp thuế có thể nhanh hay chậm và yêu cầu về các sản phẩm đối với các thị trường cao cấp sẽ cao hơn rất nhiều. Việc đáp ứng các yêu cầu CBAM sẽ phục vụ tốt cho các nhà sản xuất Việt Nam. “Chúng ta đều thấy rằng vấn đề này sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, sản phẩm đó khi đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra thì sẽ có nhiều thuận lợi, khi được bán ở mức cao hơn, doanh thu cao hơn và điều quan trọng là chúng ta không bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện chuỗi giá trị mới của ngày hôm nay,” – ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) dẫn chứng thực tế số liệu mặt hàng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU 8 tháng năm 2023 như sau: “Những mặt hàng mà chúng ta hiện nay xuất khẩu nhiều vào châu Âu, đặc biệt nhất là trong đó các mặt hàng sắt thép. Riêng 8 tháng đầu năm 2023 mặt hàng sắt thép xuất khẩu vào EU đã tăng gấp đôi, tức là hiện nay – tính đến hết 8 tháng đạt 2,31 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023…“.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hội khuyến nghị “Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tối đa nguồn thải ra môi trường nếu muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ ở các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU”.

Về lâu dài, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng để bao gồm cả phát thải gián tiếp và các lĩnh vực khác cũng như các sản phẩm sử dụng nhiều carbon – chẳng hạn như sử dụng nhiều năng lượng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh; và tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: năng lượng, khoáng sản; sản xuất và chế biến một số loại thực phẩm.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm: “Các chứng chỉ carbon cũng như các biện pháp để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu thì ở Việt Nam chúng ta cũng đang trong quá trình tiến hành xây dựng và triển khai trong thời gian tới“.

Nhóm nghiên cứu do Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, hàng năm Việt Nam có thể phải chịu thêm một khoản chi phí cho thuế phát thải carbon từ 32-50 tỷ USD khi xuất khẩu vào EU. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Việt Nam cần tăng cường các giải pháp giảm phát thải, ở cả góc độ doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý.

Share the Post: