Tính đến cuối tháng 11 năm 2023, Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD tương ứng 1.200 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2td cho ngân hàng thế giới (WB)
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Bình nhận 82,4 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon của 469.317 ha rừng. Trong đó, 80 tỉ đồng sẽ chi trả cho chủ rừng bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã; 2,4 tỉ đồng được trích vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Theo tính toán, trong giai đoạn từ năm 2023 – 2025, phần diện tích rừng nói trên sẽ tạo ra được 2,4 triệu tín chỉ (1 tín chỉ bằng 1 tấn CO2tđ), đồng nghĩa với giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương 2,4 triệu tấn carbon. Tổng số tiền bán tín chỉ carbon thu về trong 3 năm có lên đến 235 tỉ USD. Các chủ rừng sẽ được chia số tiền này theo tỷ lệ tương ứng với diện tích rừng đang chăm sóc và bảo vệ.
Trường hợp bán tín chỉ carbon lấy tiền như tỉnh Quảng Bình không phải là cá biệt. Bộ NN-PTNT cho biết, có đến 6 tỉnh tham gia Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với đại diện là Bộ NN-PTNT và WB giai đoạn 2018 – 2024.
Theo thỏa thuận trên, trong năm 2023, VN đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2tđ cho WB với tổng số tiền nhận về là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT còn ký “Ý định thư về mua bán giảm phát thải” với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ. VN sẽ chuyển nhượng cho Emergent khoảng 5,15 triệu tấn CO2tđ với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022 – 2026.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng. Bên cạnh đó, việc này tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường”.
Việc bán tín chỉ carbon cũng đang được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án quy mô nhất là đề án “Một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”. Trước khi đề án này được triển khai, các mô hình thử nghiệm đã cho các kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác mới như giảm lượng lúa giống, giảm phân bón thuốc trừ sâu và kỹ thuật tưới nước ướt – khô xen kẽ thì 1 ha lúa có thể giảm đến 5 tấn CO2tđ. Hiện tại, việc sản xuất lúa bền vững với môi trường đã được một số doanh nghiệp VN triển khai thực hiện.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông tin: WB đã cam kết mua theo nghĩa vụ các tín chỉ carbon từ đề án sản xuất lúa này với giá khoảng 10 USD tấn CO2tđ. “Đây là phần giá trị tăng thêm cho hạt gạo VN khi đề án được triển khai. Không chỉ thế, việc này có nghĩa to lớn hơn là nâng giá trị hạt gạo của VN lên một tầm mức mới là “xanh bền vững” và góp phần vào lộ trình đưa phát thải ròng của VN về bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ VN trước cộng đồng quốc tế.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) thừa nhận bị hấp dẫn bởi đề án tín chỉ carbon. Với hơn 600.000 ha rừng, nếu bán tín chỉ carbon thì tỉnh có thể sẽ thu về khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm, đây là nguồn kinh phí rất lớn bổ sung vào việc giữ rừng, bảo vệ rừng.
Nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này, hiện nhiều doanh nghiệp cũng tham gia. Đơn cử, Công ty CP EcoTree đã hợp tác với các đối tác châu Âu thực hiện phát triển dự án trồng rừng bền vững bằng việc khảo sát điều tra thực địa, lập dự án đầu tư trồng mới, cải tạo chăm sóc; lập hồ sơ xét duyệt tín chỉ carbon…
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP EcoTree cho biết đã làm việc với 11 tỉnh, thành để thí điểm đề án tín chỉ carbon và nhận được sự ủng hộ của Cà Mau, Bình Định, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai… “Với sự đầu tư từ công ty, các Ban quản lý (BQL) rừng sẽ phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Công ty sẽ xây dựng thí điểm trên 1/3 diện tích rừng hiện có của Kon Tum, tương đương diện tích 100.000 – 150.000 ha (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Ở những khu rừng đặc dụng, lượng hấp thụ từ 25 – 30 tấn carbon/ha/năm” – ông Tùng nói
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không muốn chậm chân. Mới đây, Công ty Net Zero Carbon của VN, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giảm phát thải khí nhà kính) đã phối hợp với Công ty Spiro Carbon (nghiên cứu đo đạc các chỉ số carbon trong nông nghiệp) hợp tác ra đời “Sáng kiến Spiro Carbon ASEAN”. Đây là dự án được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp và bắt đầu từ đối tượng cây trồng đầu tiên là cây lúa. Dự án sẽ phối hợp với các đối tác để triển khai giải pháp đổi mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí metan từ quy trình trồng lúa.
Đáng kể nhất phải kể đến Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, là doanh nghiệp đầu tiên tại VN đạt chứng nhận SRP 100 trong 4 năm liên tiếp từ 2020 đến 2023 về áp dụng tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững. Đây là chứng nhận chuyên ngành với cây lúa và với chứng nhận này, doanh nghiệp có thể bán tín chỉ carbon như một sản phẩm giá trị gia tăng ngoài gạo. Với những mô hình thành công trong 4 năm qua, năm 2024 Lộc Trời quyết định mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa lên 256.000 ha với mục tiêu thương mại hóa tín chỉ CO2.
Trong khi nhiều doanh nghiệp dồn sức vào lĩnh vực đầu tư để được cấp tín chỉ mang bán thì cuối tháng 9 vừa qua sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại VN cũng được ra mắt. Chủ đầu tư là Tập đoàn CT Group, Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi…
Bộ NN-PTNT đánh giá, VN là một trong những quốc gia tiềm năng với trong việc xây dựng các dự án bán tín chỉ carbon. Chúng ta hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỉ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở VN rất lớn.
Hiện tại, giá 1 tín chỉ CO2tđ chỉ ở mức 5 – 10 USD/tấn nhưng mức giá này sẽ tăng lên nhanh chóng khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM”. Cụ thể, từ tháng 1.10.2023, EU đã bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM kéo dài đến hết tháng 12.2025 (giai đoạn ghi nhận báo cáo số liệu). Từ 1.1.2026 – 2034 sẽ là giai đoạn vận hành thí điểm từng phần, áp dụng với một số mặt hàng.
Từ năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, khi đó hàng hóa vào thị trường EU phải đạt chuẩn trung hòa carbon (lượng phát thải carbon = 0 hay Net Zero). Trong trường hợp, sản phẩm không đạt chuẩn Net Zero sẽ phải trả phí môi trường. Nhiều khả năng sau EU, Mỹ và nhiều nước khác sẽ là thị trường tiếp theo áp dụng cơ chế CBAM. Mức phí (thuế) mà EU áp dụng lên tới 85 EUR/tín chỉ.
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Bureau Veritas VN, một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực giám định và chứng nhận tiêu chuẩn cho biết: Cơ chế CBAM buộc các doanh nghiệp có 2 hướng giải quyết. Thứ nhất là chuyển đổi để đưa lượng phát thải về bằng 0; thứ hai là mua tín chỉ để bù đắp lượng phát thải chưa kịp chuyển đổi. Ngay tại EU, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi đúng lộ trình và buộc họ phải đi tìm mua tín chỉ từ nguồn cung trên khắp thế giới. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào khối này sẽ buộc các nhà cung cấp hàng hóa hoặc nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo tiêu chí trung hòa carbon, nếu không sẽ phải chịu phí CBAM, và lúc đó tính cạnh tranh của hàng hóa không còn.
“Các doanh nghiệp trên khắp thế giới nếu muốn bán hàng hoặc cung cấp nguyên liệu cho EU đều phải tuân thủ quy định này. Chính vì vậy, thị trường tín chỉ carbon sẽ trở nên rất sôi động. Đặc biệt, vì mức phí EU áp dụng đến 85 UER/tấn CO2td, sẽ kéo giá tín chỉ carbon đang ở mức 5 – 10 USD/tín chỉ, tăng nhanh trong thời gian tới” – vị này dự báo.
PGS – TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn của thị trường carbon tự nguyện và các tín chỉ bán cho khách quốc tế. Các con số được công bố chủ yếu ở các dự án của chính phủ với các tổ chức quốc tế. Các dự án này mới tập trung ở một số ít lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và còn ở dạng mô hình thí điểm.
“Tôi tin rằng, những con số này còn rất nhỏ so với tiềm năng và dư địa của từng ngành, trên bình diện tổng thể của quốc gia còn lớn hơn. Các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải và đặc biệt năng lượng tái tạo còn rất nhiều tiềm năng và dư địa. Gần như đến thời điểm này chúng ta chưa hề đụng gì đến những lĩnh vực trên. Trong khi công nghệ cho phép chúng ta có thể chuyển đổi những ngành này theo hướng giảm phát thải, thu hồi carbon. Để làm được như vậy, chúng ta phải thay đổi công nghệ và quy trình sản xuất” – ông Quân nhấn .
Theo ông Quân, các bộ ngành đang tích cực xây dựng nhưng khả năng phải đến 2028 mới hình thành thị trường tín chỉ carbon tại VN. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi để sản xuất xanh hơn, nhưng chúng ta không nhất thiết phải vội bán tín chỉ carbon vì giá mặt hàng này đang khá thấp. Trong vài năm tới khi cơ chế CBAM chính thức có hiệu lực, giá có thể tăng 5 – 10 lần hiện tại. “Nếu bán sớm với giá rẻ có thể mai mốt phải mua lại với giá cao hơn. Có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có dư địa lớn trong lĩnh vực này nhưng chưa vội bán mà vẫn để đó chờ giá tăng”, TS Quân khuyến cáo.
Dù giá tín chỉ C02 có tăng 5 – 10 lần trong những năm tới thì việc đầu tư để bán tín chỉ là vẫn ít khả thi về mặt kinh tế. Nhưng, nếu đặt nó vào mô hình kinh tế tuần hoàn thì chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác, giúp khép kín và nâng tầm mô hình kinh tế của doanh nghiệp.
Ví dụ, sản xuất lúa bền vững và bán được tín chỉ C02 thì ngoài việc thu tiền thêm từ tín chỉ, người nông dân có thể bán được lúa với giá cao hơn so với sản xuất kiểu truyền thống vì sản phẩm sạch. Sản phẩm cũng góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng thì đó cũng là tiết kiệm hoặc tạo ra tiền. Bên cạnh đó còn tạo ra môi trường xanh sạch hơn mà chúng ta có thể khai thác các dịch vụ khác như du lịch… Đó là những giá trị vô hình nhưng thực tế có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường và xã hội ngoài việc thu lợi từ bán tín chỉ C02.
Nguồn: Báo Thanh ên